dayhocvan.blogspot.com

dayhocvan.blogspot.com

dayhocvan.blogspot.com
dayhocvan.blogspot.com

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Nhập cảm trong dạy học văn

I .VAI TRÒ CỦA BƯỚC NHẬP CẢM TRONG TIẾT ĐỌC VĂN
1.XÉT VỀ MẶT PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHÂN MÔN
Xét về mặt phương pháp dạy học phân môn giảng văn là phân môn tích hợp các kiến thức của tất cả các phân môn khác của bộ môn ngữ văn.
Hơn nữa, giảng văn vừa là một môn khoa học ,lại vừa là một môn nghệ thuật. Môn khoa học đòi hỏi sự chính xác ,lôgíc.Mặt khác môn nghệ thuật cần đến tình  cảm thẩm mỹ .Vì thế ,tiết giảng văn vừa giúp học sinh có thêm tri thức ,vừa là cơ hội để các em thưởng thức cái hay ,cái đẹp của tác phẩm văn chương. Chính vì thế ,việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh bước vào tiết giảng văn cần có nét riêng ,khác biệt so với những môn học khác cũng là một điều cần thiết. Sự chuẩn bị đó được thể hiện ở bước nhập cảm.
Bước nhập cảm là bước đầu tiên trong một tiết  văn .Nó được gọi theo một cách khác là phần giới thiệu bài mới của giáo viên . Tính từ thời điểm đó ,học sinh sẽ bước vào các bước tiếp theo của tiết học :đọc bài, cảm nhận chung, tiến hành các thao tác tìm hiểu tác phẩm dưới sự hướng dẫn của giáo viên .Để học sinh tập trung vào bài học , phần giới thiệu bài có vai trò hết sức quan trọng.Trước tiên , nó thu hút sự chú ý của học sinh ,hướng các em vào bài mới .Đồng thời ,bước nhập cảm đúng như tên gọi của nó ,hướng   cảm xúc của học sinh về phía tác phẩm sắp giảng .Từ đó ,học sinh sẽ nảy sinh những ấn tượng đầu tiên về  tác phẩm .Mà ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng rất quan trọng.Chính vì thế mà phương pháp dạy học phân môn  rất đề cao bước nhập cảm trong tiết giảng văn . 
      2.ĐỐI VỚI HỌC SINH . 
        Thực tế cho thấy có một bộ phận rất lớn học sinh coi môn văn cũng là một môn học như tất cả những môn học khác ,chỉ đơn thuần là để có thêm tri thức phục vụ cuộc sống hoặc là để thi cử. Đó là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng , đa phần học sinh vẫn nhận ra môn văn nói chung , phân môn giảng văn nói riêng là một môn học đặc biệt vừa đòi hỏi tư duy, vừa đòi hỏi sự trải nghiệm cảm xúc ,có sự thưởng thức, cảm nhận và đánh giá của từng cá nhân học sinh. Bước vào tiết giảng văn,học sinh vốn đã có tâm thế đặcbiệt hơn so với những môn khác. Trong thời điểm đó, nếu giáo viên bỏ qua bước hướng dẫn học sinh nhập cảm, các em sẽ cảm thấy hẫng hụt và giảm bớt hứng thú đối với tiết học .Một tiết giảng văn bắt đầu trong không khí ức chế cảm xúc ở học sinh thì dù trong suốt tiết học ,giáo viên và học sinh có cố gắng vượt bậc cũng khó đảm bảo tiết dạy sẽ thành công theo đúng nghĩa của nó . 
         Ngược lại, nếu giáo viên quan tâm thích đáng đến bước tổ chức cho học sinh nhập cảm đầu mỗi tiết giảng văn thì sẽ tạo được bước đột phá nhất định, góp phần tạo nên hiệu quả của tiết dạy. 
     3 .ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN 
         Đối với nhiều giáo viên Ngữ văn ,dạy Văn không chỉ là nghề mà còn là nghiệp .Nghĩalà trong mỗi tiết dạy gói trọn tâm huyết , niềm đam mê đối với Văn chương , mong muốn được chia sẽ niềm đam mê đó với học sinh .Vì thế mà dạy Văn vất vả hơn dạy những mônkhác. 
         Giáo viên Văn ngoài việc chuẩn bị giáo án còn phải chuẩn để hướng dẫn học sinh nhập cảm để hướng học sinh vào bài học với một tâm thế phù hợp với cảm xúc của tác phẩm sắp giảng . Theo tôi đó là việc mà mỗi giáo viên văn không thể coi thường hay bỏ qua.
        Trên thực tế, tôi thấy đa số giáo viên Văn ý thức được tầm quan trọng của bước hướng dẫn học sinh nhập cảm trong tết giảng văn .Vì thế họ đã chuẩn bị cho bước này rất kĩ càng và chu đáo .Nhiều giáo viên đã thu hút học sinh bằng phần dẫn nhập rất ấn tượng trước khi bước vào tiết giảng văn . Từ đó , học sinh có hứng thú ,tập trung vào bài giảng, trải nghiệm cảm xúc trong tác phẩm , tích cực , chủ động khám phá ra cái hay , cái đẹp của tác phẩm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo .Bước  nhập cảm có vai trò làm bước xuất phát điểm để làm nên  thành công của tiết dạy . 
          Nói như thế không có nghĩa là tất cả các giáo viên Văn đều quan tâm thích đáng đến bước hướng dẫn học sinh nhập cảm trong tiết dạy của mình .Không ít giáo viên chỉ quan tâm đến giáo án mà bỏ qua việc tạo tâm thế ban đầu cho học sinh khi bắt đầu mỗi giờ dạy. Họ mở đầu giờ giảng văn cũng giống như tất cả những môn học khác .Với giáo án tốt ,tiết dạy có thể cung cấp cho học sinh những kiến thức rất sâu sắc về tác phẩm ,học sinh nhận thấy và nắm bắt được giá trị của tác phẩm .Nhưng thiếu bước nhập cảm,nhiều học sinh sẽ không có ấn tượng ban đầu về tác phẩm.Vì thế ,các em sẽ không hứng thú để tích cực ,chủ động khám phá tác phẩm ,chỉ tiếp nhận tác phẩm một cách thụ động , máy móc .Một tiết giảng văn như thế chỉ cung cấp kiến thức chứ không bồi dưỡng tình cảm và nâng cao năng lực thẩm mĩ cho học sinh .Như vậy là chưa đáp ứng được yêu cầu của một tiết giảng văn . 
         Từ việc nhận thức được tầm quan trọng của bước nhập cảm trong tiết giảng văn ở trên hai phương diện lí luận và thực tiễn , trong quá trình dạy học ,chúng tôi đã dành thời gian thích đáng để chuẩn bị và hướng dẫn học sinh nhập cảm trong mỗi tiết giảng văn .Qua quá trình giảng dạy của bản thân và qua học hỏi các anh chị đồng nghiệp chúng tôi đã có vốn kinh nghiệm ít ỏi về việc hướng dẫn học sinh nhập cảm trong tiết giảng văn . Trong đề tài này , chúng tôi trình một vài cách hướng dẫn học sinh nhập cảm trong tiết giảng văn .
      II .MỘT VÀI CÁCH HƯỚNG DẪN HỌC SINH NHẬP CẢM TRONG TIẾT ĐỌC VĂN . 
         1.ĐẶT CÂU HỎI  GỢI SỰ TÒ MÒ LÔI CUỐN SỰ CHÚ Ý CỦA HỌC SINH 
           Việc đặt câu hỏi cho học sinh trong tiết giảng văn từ trước đến nay vẫn được coi như một việc làm tất yếu .Giáo viên hướng dẫn học sinh khám phá tác phẩm thông qua hệ thống câu hỏi .Vì thế , việc chuẩn bị và sử dụng câu hỏi để hướng dẫn học sinh nhập cảm, trong tiết giảng văn là hoàn toàn hợp lý .Bước vào mỗi tiết giảng văn , sau khi ổn định lớp kiểm tra bài cũ , thay vì yêu cầu học sinh đưa sách vở ra học bài mới , giáo viên có thể đặt ra một số câu hỏi về các vấn đề đặt ra trong tác phẩm để học sinh  trình bày ý kiến của mình .Các ý kiến của học sinh có thể thống nhất nhưng cũng có thể trái ngược nhau . Cũng có những học sinh im lặng , không có ý kiến do chưa tập trung hoặc còn thụ động với tác phẩm . Trong mỗi trường hợp giáo viên sẽ những cách hướng dẫn phù hợp nhất để tạo tâm thế cho học sinh hứng thú tiếp nhận tác phẩm . 
        Khi các ý kiến của học sinh thống nhất theo  hướng của các vấn đề đặt ra trong tác phẩm , giáo viên bày tỏ tán thành với học sinh , ghi nhận việc đọc tác phẩm và chuẩn bị bài của các em và giới thiệu tác phẩm được giảng trong tiết đó . 
       Ví dụ : Tiết giảng văn tác phẩm Chí Phèo   của nhà văn Nam Cao , sau khi ổn định lớp, kiểm tra bài cũ , thay vì yêu cầu học sinh đưa sách  vở học tác phẩm , giáo viên hướng  dẫn học sinh nhập cảm thông qua một số câu hỏi như sau : 
        GV :Em hãy kể tên một số tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao ? 
        HS : Đời thừa ,Trăng sáng , Lão Hạc , Chí Phèo ,Một bữa no ...v v . 
        GV: Theo các em , trong những tác phẩm đó , tác phẩm nào là tác phẩm nổi tiếng nhất về đề tài người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám ? 
         HS : truyện ngắn Chí Phèo . 
         GV :Em đã biết được gì về tác phẩm này ? 
         HS : Chí Phèo là đứa thường xuyên say rượu , hay rạch mặt ăn vạ , là con quỷ dữ của làng Vũ Đại , Chí Phèo nhờ bát cháo hành của Thị Nở mà trở lại làm người ... 
         GV :Để biết rõ hơn về hình tượng nhân vật Chí Phèo và những trăn trở, tâm huyết cũng như tài năng của nhà văn  , chúng ta hãy đến với tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao . 
         Với những câu hỏi dẫn dắt và khoảng thời gian cần để trả lời , học sinh sẽ hướng sự chú ý vào tác phẩm và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tham gia vào bài học và mong muốn có thêm hiểu biết về tác phẩm . Đó là điểm thuận lơi rất lớn để giáo viên có một tiết dạy thành công . Từ  chỗ có ấn tượng ban đầu, học sinh sẽ tích cực tham gia khám phá tác phẩm và hiểu sâu hơn về cái hay , cái đẹp cuả tác phẩm .Và cũng từ đó các em sẽ có sự đồng cảm và đồng sáng tạo với tác giả . 
         Khi học sinh có những ý kiến trái ngược nhau về các vấn đề giáo viên đưa ra , giáo viên sẽ dẫn dắt học sinh đến với tác phẩm để tìm ra câu trả lời thống nhất . 
         Ví dụ : Tiết giảng văn tác phẩm Chữ người tử tù  của nhà văn Nguyễn Tuân , bước vào tiết dạy , giáo viên đặt câu hỏi và yêu cầu học sinh thảo luận : 
         GV : Theo các em trong tác phẩm  Chữ  người tử tù  của nhà văn Nguyễn Tuân , Huấn Cao đã trao cho Quản ngục những gì ? 
         HS : Đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau . 
         GV : Có người cho rằng  cái cúi lạy của Quản ngục trước Huấn Cao thể hiện sự thấp kém ,hèn hạ , thấp hèn của Quản ngục .Em có tán thành với ý kiến đó không ? Vì sao ?
        HS : Đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau .
        GV : Để có câu trả lời thống nhất , chúng ta sẽ cùng nhau khám phá tác phẩm này.
    Trong trường hợp này , với những câu hỏi trên , học sinh sẽ có những câu trả lời khác nhau , thậm chí là trái ngược nhau . Một số học sinh còn lưỡng lự , chưa tìm ra câu trả lời trong khoảng thời gian ngắn như vậy . Khi giáo viên dẫn vào tác phẩm , các em sẽ tập trung vào bài giảng để tìm ra câu trả lời cuối cùng . Như vậy , việc hướng dẫn học sinh nhập cảm ở đây là đưa ra tình huống có vấn đề kích thích sự tò mò , hứng thú của học sinh đối với tác phẩm . 
     Hướng dẫn học sinh nhập cảm bằng cách đưa ra các câu hỏi  gợi sự tò mò , thu hút sự chú ý của học sinh sẽ tạo ra không khí hấp dẫn , lôi cuốn ngay từ đầu tiết học , kích thích học sinh chủ động tích cực tham gia khám phá , tìm hiểu tác phẩm . Nhưng nhiều lúc , cách hướng dẫn đó gây ra không khí căng thẳng không cần thiết đối với một tiết giảng văn . Mặt khác , nếu tiết giảng nào cũng dùng phương thức đặt câu hỏi thì sẽ nhàm chán và đơn điệu . Cho nên ,đây không phải là cách duy nhất để hướng dẫn học sinh nhập cảm trong tiết giảng văn .
      2. DÙNG LỜI THUYẾT GIẢNG ĐỂ HƯỚNG DẪN HỌC SINH NHẬP CẢM  .
      Trong một số tiết giảng văn , giáo viên có thể dùng lời diễn giảng để gây ấn tượng  ban đầu về tác phẩm . Phương thức này đòi hỏi ở giáo viên sự chuẩn bị thật kĩ càng ,chu đáo . Lời thuyết giảng của giáo viên không phải là một đoạn văn với lời lẽ hoa mĩ mà giáo viên soạn ra rồi rồi xào đi xào lại từ lớp này sang lớp khác . Theo chúng tôi , đầu tiên , lời thuyết giảng phải phụ thuộc vào đối tượng học sinh của từng lớp học . ở mỗi lớp trong cùng một bài dạy , giáo viên nên có một cách giới thiệu bài khác nhau . Lời giới thiệu có thể khái quát toàn bộ giá trị của tác phẩm  , những ấn tượng hay những nhận định về tác giả ,tác phẩm .Lời giới thiệu cũng có thể theo là một hướng nào đó tuỳ vào sở thích , sở trường của giáo viên .
      Hướng dẫn học sinh nhập cảm bằng lời thuyết giảng có nội dung sâu sắc sẽ lôi cuốn học sinh về phía tác phẩm và tạo ấn tượng đẹp đẽ với tác phẩm ngay từ những phút đầu tiên của tiết giảng văn . Những ấn tượng đó sẽ lôi cuốn học sinh . Từ đó , các em sẽ có  tình cảm yêu mến đối với tác phẩm .Điều đó rất thuận lợi cho bài dạy của giáo viên . Mặt khác , cách thức này đòi hỏi giáo viên luôn tìm tòi , lựa chọn để có phần  thuyết giảng hay. Như vậy , giáo viên có cơ hội để tìm tòi ,học hỏi ,nâng cao kĩ năng thuyết giảng –một kĩ năng rất cần thiết cho tiết giảng văn .
       III .HIỆU QUẢ THỰC TẾ CỦA VIỆC HƯỚNG DẪN HỌC SINH NHẬP CẢM TRONG TIẾT  ĐỌC VĂN 
            Để thực hiện đánh giá hiệu quả của việc hướng dẫn học sinh nhập cảm trong tiết giảng văn , chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn nhiều học sinh ở khối 11 trường THPT NINH CHÂU . Hầu hết các học sinh được hỏi đều trả lời các em thích những tiết giảng văn có phần hướng dẫn học sinh nhập cảm . Nhiều em cho biết nếu không có phần dẫn dắt của giáo viên , các em sẽ không có sự tập trung ngay từ ban đầu và cũng không mấy hứng thú với tham gia phát biểu xây dựng bài đối với một số tác phẩm mà các em không có ấn tượng lúc đọc tác phẩm và soạn bài . Việc tạo ấn tượng ấn tượng đối với tác phẩm đã giúp các em nắm vững và khắc sâu hơn những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm . 
            Mặt khác , nếu quan tâm thích đáng đến việc hướng dẫn học sinh nhập cảm trong tiết giảng văn , giáo viên sẽ có nhiều cơ hội để tìm tòi ,  học hỏi , thể hiện sự sáng tạo và một phần phong cách dạy của mình ngay từ đầu tiết dạy . Đó là điều rất cần thiết ở một giáo viên văn. Hơn nữa , từ một số cách hướng dẫn học sinh nhập cảm như đã nêu trên , giáo viên có thể rèn luyên thêm nhiều kĩ năng cần thiết cho nghề nghiệp , như : kĩ năng đặt câu hỏi , kĩ năng tổng hợp vấn đề , kĩ năng thuyết giảng .Những điều đó có thể giúp giáo viên thành công hơn trong những tiết dạy khác và trong nghề nghiệp giảng dạy của mình

Không có nhận xét nào: