dayhocvan.blogspot.com

dayhocvan.blogspot.com

dayhocvan.blogspot.com
dayhocvan.blogspot.com

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Về thơ Hai cư



Anh/ chị hiểu như thế nào về “tính tương quan hai hình ảnh” của thơ Hai-cư? Dựa vào đặc tính đó để phân tích bài thơ sau đây của Ba-sô:
Mưa tháng năm
Đứng dầm trong nước
Chân hạc ngắn dần.
(Giáo trình Văn học Châu Á II – Phùng Hoài Ngọc)
Trả lời:
a. Tính tương quan hai hình ảnh của thơ Hai-cư:
- Tính tương quan hai hình ảnh: hình ảnh lớn, trừu tượng (vũ trụ) với hình ảnh nhỏ, cụ thể (đời thường) ghi dấu thời gian và nơi chốn.
- Hai hình ảnh này có mối quan hệ mật thiết với nhau trong bài thơ Hai-cư. Hình ảnh lớn (vũ trụ) thường là cái phông nền cho những hình ảnh nhỏ (đời thường): chẳng hạn con quạ và cây khô trong cái phông nền chiều thu, con ếch và tiếng nước vang trên ao cũ, tiếng ve và hòn đá trầm mặc trong buổi chiều tịch liêu…
- Hình ảnh lớn và hình ảnh nhỏ tương tác với nhau làm sống lại những cảm xúc đã chôn sâu trong ký ức, khơi gợi những cảm giác sâu sắc, tế nhị của nhà thơ về cuộc sống, về đời người.
b. Phân tích bài thơ Hai-cư của Ba-sô:
- Tính tương quan hai hình ảnh:
+ Mưa tháng năm: là hình ảnh lớn, mang tầm vóc vũ trụ, thể hiện cho vòng quay của thời gian: nắng – mưa, ngày – tháng… Tháng năm, trời bắt đầu những cơn mưa đầu tiên sau những tháng ngày khô hạn. Tháng năm mang mưa đến, mang lại cuộc sống sinh sôi nảy nở của các loại thủy tộc.
+ Hạc đứng trong nước tìm cá, chân hạc ngắn dần: là hình ảnh nhỏ, diễn ra một cách cụ thể trước mắt. Mùa hạn ít nước, đồng khô nắng cháy. Sang tháng năm trời mưa, nước trên đồng dâng lên khiến tác giả có cảm giác chân hạc ngắn dần. Đây là cách miêu tả ”mượn a nói b” đầy lý thú. Nước lên cao, tôm cá nhiều, hạc sẽ dễ dàng kiếm ăn hơn.
- Bài thơ chỉ được phác họa bằng một vài sự vật và hiện tượng giản đơn, nhưng thật sống động. Bao trùm lên bài thơ là một âm hưởng vui. Nhà thơ không chỉ vui khi mùa sang, mưa về trên ruộng đồng mà còn vui vì thấy hạc sẽ kiếm được nhiều cá hơn, sẽ có cuộc sống đầy đủ hơn, và nhất là sẽ bớt đi lo âu cực nhọc vì cuộc sống mưu sinh.

Không có nhận xét nào: