dayhocvan.blogspot.com

dayhocvan.blogspot.com

dayhocvan.blogspot.com
dayhocvan.blogspot.com

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh

Ngày nay việc dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh đã trở thành một phương pháp không thể thiếu trong trường phổ thông. Vì vậy làm sao để làm tốt điều này, đặc biệt đối với môn Ngữ Văn – một bộ môn mà để dạy tốt không phải là chuyện dễ.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ DẠY HỌC THEO HƯỚNG PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC,
CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO CỦA HỌC SINH
      Với những bộ môn khác, chỉ cần giáo viên nắm chắc kiến thức, nắm phương pháp là có thể dạy tốt bộ môn ấy nhưng riêng môn Văn thì không hẳn thế. Bởi đặc trưng nổi bật của tác phẩm văn học là tính đa nghĩa. Một tác phẩm văn học có thể có nhiều cách tiếp cận, nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng tiếp cận chúng như thế nào, dạy học như thế nào để cho học sinh thấy cái hay, cái đẹp trong bài thơ đó theo tinh thần phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các em quả là vấn đề không đơn giản. Xin mạo muội nói ra những trải nghiệm của mình qua thực tế giảng dạy, rất mong sự đóng góp ý kiến của lãnh đạo và đồng nghiệp để việc giảng dạy của chúng ta được tốt hơn.
    Như chúng ta đã biết, tính đa nghĩa trong một số tác phẩm thơ đưa đến những khó khăn trong việc dạy học, nhưng đồng thời cũng sẽ biến thành những thuận lợi nếu người thầy giáo biết tận dụng nó, dùng nó để khơi gợi sự suy nghĩ, sự tưởng tượng sáng tạo của học sinh. Từ thực tế lên lớp cũng như dự giờ đồng nghiệp, tôi nhận thấy người giáo viên Văn cần chú ý ba vấn đề như sau :
1. Về tình yêu :
      Với những bộ môn khác có thể người giáo viên không yêu thích nó vẫn có thể dạy tốt nhưng tôi nghĩ với môn Văn thì không. Văn chương đòi hỏi ở con người sự yêu thích, đam mê. Không có điều đó thì rất khó để cảm thụ cho tốt, cho hay một tác phẩm văn học. Lại nữa người giáo viên Văn cũng phải chú ý đến việc coi học sinh như người em, người bạn, người con ... của mình. Tình cảm thân tình ấy sẽ giúp cả thầy và trò có được sự gần gũi để sẻ chia cảm xúc, suy nghĩ của mình.
2. Về kiến thức :
      Thật khó nói phải có một kiến thức như thế nào cho đủ, nhưng dạy Văn phải có một kiến thức chuyên môn vững vàng. Kiến thức ấy thể hiện ở chỗ nắm vững lịch sử văn học, hệ thống được từng vấn đề cơ bản, chắc chắn ở từng phân môn. Chẳng hạn cũng là văn nhưng văn thời trung đại khác thời hiện đại về quan niệm thẩm mĩ, về thi pháp. Cũng là văn nhưng lối tư duy của văn học dân gian và văn chương bác học không trùng nhau. Kiến thức của người thầy mỏng sẽ làm loạn sự tiếp nhận của học trò, không thuyết phục được đối tượng tiếp nhận.
       Đặc trưng của một tác phẩm văn học là tính đa nghĩa. Vì vậy đem đến cho các em những kiến thức chuẩn xác nhất là một sự tìm tòi, nghiên cứu rất nhiều của giáo viên Văn.
3. Về phương pháp :
       Trước tiên khi dạy một bài thơ giáo viên cần trang bị những kiến thức cơ bản về đặc trưng thể loại của bài thơ đó để học sinh hiểu được nguyên tắc tổ chức hình tượng, ngôn ngữ thơ; từ đó các em sẽ hiểu được vì sao nhiều bài thơ đặc biệt là những bài thơ hay lại có hiện tượng đa nghĩa. Điều này là một nhiệm vụ khó nhưng trong chừng mực nào đó, người giáo viên có thể làm được.
    Điều cần chú ý khi lên lớp là giáo viên cần cho học sinh tự do phát biểu những suy nghĩ, cảm nhận của mình về câu thơ, bài thơ đó bằng cách khơi gợi, dẫn dắt kèm theo đấy là lời động viên, lời khen ngợi kịp thời cho những ý hay. Thực tế qua những tiết dự giờ, tôi thấy học sinh tiu nghỉu đến tội nghiệp khi mà giáo viên đứng lớp tỏ ra phật ý vì học sinh không nói trúng ý mà mình cần muốn đưa ra. Như thế thì lần sau học sinh sẽ chẳng dám phát biểu nữa. Vì vậy mà cũng dễ lí giải nếu có giáo viên nào đó than phiền với một giáo viên khác : “Lớp em dạy học sinh ít phát biểu mà sao vào dạy thay lớp chị một tiết em thấy lớp học sôi nổi thế !”.
      Điều tối kị khi dạy môn Văn, theo tôi,  là áp đặt kiến thức theo lối xuôi chiều. Rất lâu rồi tôi đọc được một bài báo kể về việc một thầy giáo cứ ngợi ca mãi anh Nhẫn trong tác phẩm Cỏ non của Hồ Phương là người lao động quên mình, bỏ ăn, bỏ ngủ, vượt rừng lội suối để tìm bò thì một học sinh ngồi dưới nói : “Chẳng qua anh ta sợ phải đền con bò cho nhà nước”. Tôi nghĩ không chỉ bài giảng ấy vô nghĩa đối với học sinh mà cả người thầy ấy cũng trở nên khó thuyết phục đối với học sinh. Không thể không cẩn thận, cũng không thể chủ quan về học trò!
        Vậy nên, để khắc phục được những tình huống sư phạm ngoài ý muốn chỉ còn cách người giáo viên dạy Văn phải đầu tư  thật nhiều cho bài giảng. Ở nhà nên đọc thật nhiều sách, báo để xem tác phẩm ấy, câu thơ ấy có những cách hiểu nào để khỏi bị động, lúng túng khi học sinh đưa ra những cảm nhận khác nhau của mình. Chẳng hạn bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử có nhiều cách tiếp cận không giống nhau : có người chủ yếu khai thác tác phẩm như một bức tranh đẹp về phong cảnh và con người xứ Huế; có người lại xuất phát từ mối tình Hàn Mặc Tử – Hoàng Thị Kim Cúc để biến bài thơ thành tiếng lòng xót xa, tuyệt vọng trước một tình yêu đơn phương. Hoặc những câu thơ sau đây trong bài thơ ấy phải hiểu như thế nào cho đúng :
                                - Lá trúc che ngang mặt chữ điền
                               - Mơ khách đường xa, khách đường xa
                               - Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
        Một ví dụ khác. Trong SGK Văn học12 giải thích từ “cánh kiến” trong câu thơ “Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng” ( Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên) như sau : “loài cây thân gỗ, là cây chủ cho loài cánh kiến kí sinh, vào mùa xuân nở hoa vàng lộng lẫy”. Nếu như giải thích như thế thì giảng làm sao với câu thơ ấy, mặc dù đây không phải là đoạn thơ trọng tâm của bài học. Thật may mắn khi gần đây trên báo Văn nghệ tôi được đọc một bài viết của một giáo viên dạy Văn bàn về cách hiểu câu thơ ấy.Và tôi thực sự tâm đắc với cách giải thích này: trên thực tế thì cánh kiến là một loài động vật sống trên một loại cây cũng gọi là cây cánh kiến có hoa vàng và tạo ra một thứ nhựa đặc biệt, người ta dùng nhựa này trong nghệ thuật sơn mài, trong công nghệ điện tử. Con cánh kiến mà sống ở loại cây khác loài cây ấy thì không thể có thứ nhựa đặc biệt đó. Giải thích như thế thì mới thấy được đây là cách diễn đạt rất mới, rất hay của Chế Lan Viên nhằm khẳng định một thứ tình yêu duy nhất.       
           Như vậy, nếu như người giáo viên đã có những kiến giải về câu thơ, bài thơ đó rồi thì khi học sinh nêu cách cảm nhận của mình, mặc dù có nhiều ý kiến nhưng giáo viên vẫn chủ động được để rồi dẫn dắt, định hướng cho các em một cách hiểu đúng nhất, thuyết phục được các em. Các em thấy được tính đa nghĩa của tác phẩm văn học nhưng cần phải biết cách hiểu nào là hợp lí nhất, bám sát văn bản, hình tượng thơ nhất. Dẫn dắt như thế nào để vừa đảm bảo học sinh là người đồng sáng tạo tác phẩm, vừa không để các em lạc hướng quá xa tác phẩm, thậm chí sa vào những liên tưởng và tưởng tượng phi văn bản, lại phụ thuộc chủ yếu vào trình độ học vấn, khả năng cảm thụ và bản lĩnh của người thầy giáo.
    Tóm lại, giảng thơ vốn khó, thơ hay lại càng khó giảng. Ở những bài thơ hay, chiều sâu nội tâm, cảm xúc của nhà thơ, tình ý gửi gắm với cuộc đời ... không hiện ra trên từng câu chữ mà ẩn chìm phía sau, nếu hời hợt khó mà nắm bắt được. Quá trình “giải mã” bài thơ là quá trình mở ra những cách hiểu, cách cảm khác nhau. Đó là quá trình mở ra mà vẫn định hướng , phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong tiếp nhận nhưng không để học sinh thoát li hình tượng. Đó là quá trình đòi hỏi rất nhiều năng lực của người giáo viên dạy Văn : cảm thụ sâu sắc và tiếp cận đúng tác phẩm, nắm vững đặc trưng thể loại, đặc điểm hình tượng, đối tượng học sinh và đặc biệt là khả năng diễn đạt lưu loát, có sức truyền cảm.

Không có nhận xét nào: